BIỂU MẪU TÀI LIỆU

Thương mại điện tử và các quy định pháp luật liên quan

LUẬT LIÊN QUAN & CÁC QUY ĐỊNH TỪ CÁC VĂN BẢN KHÁC VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Thương mại điện tử ngày càng phổ biến đối với hoạt động kinh doanh. Việc hiểu biết các quy định của pháp luật về thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp kinh doanh đúng luật, vừa hạn chế được rủi ro pháp lý... Hội nhập quốc tế tại Việt Nam thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử.


1. Luật giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử được thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/03/2006. Phạm vi điều chỉnh của luật khá rộng: Giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại. Luật này bao gồm nhiều các quy định về: 

  • Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử
  • Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử
  • An ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử
  • Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử ghi nhận nguyên tắc giao dịch điện tử: Tự nguyện, được tự thoả thuận về việc lựa chọn công nghệ để thực hiện giao dịch, trung lập về công nghệ, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn. Điều đáng lưu ý là chữ ký điện tử là một nội dung được đề cập đến trong Luật Giao dịch điện tử. Luật công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, quy định nghĩa vụ của bên ký, bên chấp nhận chữ ký và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.

2. Luật thương mại

Luật Thương mại (sửa đổi) được thông qua ngày 14.06.2005 và có hiệu lực từ ngày 01.01.2006 là cơ sở quan trọng đối với các hoạt động thương mại, bao gồm Thương mại điện tử.

Luật này quy định: Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.  Ngoài ra, việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ trên Internet cũng được coi là một hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.

3. Bộ luật dân sự

Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về Hình thức giao dịch dân sự: Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản. Đối với các trường hợp giao kết hợp đồng, sửa đổi hợp đồng, thực hiện hợp đồng, huỷ bỏ hợp đồng: Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Những khái niệm quan trọng này được tính đến khi giao kết và thực hiện hợp đồng qua mạng internet

4. Luật Hải quan

Luật Hải quan (sửa đổi) được thông qua ngày 14. 06.2005 và có hiệu lực từ ngày 01.01.2006 bổ sung một số quy định như trình tự khai hải quan điện tử, địa điểm khai, hồ sơ hải quan điện tử, thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử.

5. Luật sở hữu trí tuệ

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01.07.2006 đánh dấu mốc quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong luật này có một số điều khoản liên quan đến thương mại điện tử, như các quy định về; Hành vi xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm quyền liên quan trong môi trường điện tử (cố ý huỷ bỏ, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm hoặc dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan). Tuy không có quy định cụ thể nào liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng các nguyên tắc trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn có thể được áp dụng đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

6. Một số văn bản pháp luật khác

Ngoài các Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử và Bộ luật Dân sự, còn có một số văn bản quan trọng khác cũng cần nhắc đến thương mại điện tử như :

  • Luật Công nghệ thông tin năm 2006
  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử

Nguồn sưu tầm Internet